Giới thiệu

     Trang blog hỗ trợ đọc mở rộng cho học sinh lớp Năm sẽ tạo điều kiện cho học sinh rèn kĩ năng đọc một cách linh hoạt. Đồng thời mở rộng vốn từ, mở rộng kiến thức, liên hệ được kiến thức đã học với thực tiễn, hứng thú với việc đọc. Ngữ liệu đọc được xây dựng còn truyền tải những giá trị nhân văn, những giá trị tốt đẹp của con người.

     Giáo viên cũng có thể kiểm soát, đánh giá việc đọc của học sinh nhanh chóng, kịp thời, giảm áp lực công việc cho giáo viên. Qua các bài giảng điện tử thì việc học tập tại nhà trở nên vô cùng thuận lợi, giúp các em hình thành và phát triển năng lực tự học, tăng khả năng tương tác của giáo viên đến từng học sinh.

Chiến lược phát triển văn hóa đọc ở một số quốc gia trên thế giới 

– Nhật Bản:
Văn hóa đọc ở Nhật đã được quan tâm từ cách đây hơn 300 năm. Việc xuất bản sách báo được xác định là tiền đề cho những cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ diện mạo của một nền văn hóa. Từ thời Genroku (1688-1704), nước Nhật đã có hệ thống xuất bản với lượng sách lên tới 10.000 cuốn/năm. Ngày nay, người Nhật vẫn tiếp tục là một trong những dân tộc đọc sách nhiều nhất thế giới – bình quân 1 người đọc 40 cuốn sách/năm. Họ có thói quen đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm…
– Trung Quốc:
Đọc đã được xác định là quyền văn hóa cơ bản nhất của công dân, là sự bảo đảm cơ bản để nâng cao tố chất của công dân. háng 10/2018, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat) đã phối hợp công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu 2018-2019”, trong đó, Thâm Quyến của Trung Quốc được xếp hạng trong số mười thành phố hàng đầu về năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu. Phấn đấu là đầu tàu vừa phát triển về kinh tế, vừa phát triển về văn hóa với đề xuất “hãy để thành phố được tôn trọng vì tình yêu đọc sách”, Thâm Quyến không chỉ giành được sự công nhận của cộng đồng quốc tế với kỳ tích kinh tế của mình, mà còn được thế giới ghi nhận với hình ảnh của một thành phố thích đọc sách với danh hiệu “Thành phố kiểu mẫu toàn cầu về việc người dân đọc sách”do UNESCO trao tặng.
– Hàn Quốc
Vấn đề phát triển văn hóa đọc rất được Nhà nước quan tâm. Năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hành “Kế hoạch Phát triển Toàn diện cho Hệ thống Thư viện”, tập trung vào Thư viện Quốc gia Hàn Quốc và các thư viện công cộng. Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đưa ra “Kế hoạch Tái sinh Toàn diện cho Thư viện Trường học”. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương nỗ lực cải thiện nhiều dịch vụ cho trẻ em như: xây mới thư viện hoặc mở rộng các dịch vụ dành cho trẻ em hiện có trong các thư viện công cộng. Tất cả những nỗ lực này đã được thiết kế để đáp ứng nhu cầu thông tin và thư viện của người dân địa phương. 
Hoa Kỳ (Mỹ)
Hoa Kỳ là một quốc gia thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa đọc. Là nước quan tâm đến việc đầu tư cho tài nguyên giáo dục mở (OER) lớn nhất trên thế giới, nhiều bang của nước Mỹ (28/51) có chính sách đối với OER. năm 2021 đã dành 115 triệu USD ngân sách của bang để phát triển OER giúp học sinh, sinh viên có thể sử dụng sách giáo khoa 0 USD…Hơn 150.000 Thư viện Nhỏ Miễn phí đã đã được thiết lập tại 115 quốc gia, hàng triệu cuốn sách được trao đổi mỗi năm. Tại đây, trẻ em được mượn sách không giới hạn về thời gian và số lượng, không cần phải trả lại cuốn sách nếu chúng thực sự yêu thích; tuy nhiên, chúng được khuyến khích đổi một cuốn sách để thay nhằm đảm bảo thư viện luôn đầy ắp sách.
– Singapore
Từ năm 2015, Chính phủ nước này đã thực hiện các chương trình khuyến khích việc đọc như một thói quen và xây dựng một cộng đồng bạn đọc trong cả nước.
– Ấn Độ:
Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc đọc của dân chúng. Nhà nước đã thành lập Quỹ Thư viện Raja Rammohun Roy như là một cơ quan độc lập thuộc Cục Văn hóa, do Bộ Giáo dục quản lý. Trong vòng 10 năm (từ năm 1972 – 1982), Quỹ đã cung cấp 250 triệu rupee (trị giá 31,79 triệu USD) để hỗ trợ 15.000 thư viện nông thôn. Nhờ đó đến năm 1989, Ấn Độ đã có 7.180 thư viện và 18.000 điểm phục vụ (chi nhánh, điểm dừng điện thoại di động…); các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Calcutta đã được tăng lên đáng kể.
Chương trình thư viện trường học, “hoạt động Blackboard (Bảng đen)”, đã được bắt đầu với việc cung cấp tài liệu học tập và giảng dạy cần thiết. Chính sách Quốc gia về sách (năm 1986) cũng đã có tác động đến thư viện với khuyến cáo: Tất cả các cơ quan liên quan thực hiện cung cấp tài liệu đọc cho trẻ em và 10% ngân sách giáo dục hằng năm của Chính phủ được sử dụng để mua sách cho thư viện. Nhờ đó Ấn Độ đã trở thành nước ham đọc nhất thế giới và được NOP World Culture Score Index xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân – trung bình một tuần của một người Ấn Độ lên đến gần 11 giờ (10 giờ 42 phút). 
– Cộng hòa liên bang Đức:
Văn hóa đọc là một nét đặc trưng của nước Đức. Nhiều người quan niệm món quà tặng nhau ý vị và phổ thông nhất sau hoa là “sách” – một loại “cảo thơm” rất được trân quý trong mọi nhà, trong đời thường.
Dù là đất nước phát triển về công nghệ, nơi diễn ra hội chợ sách lớn nhất toàn cầu, Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in. Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động: Trong năm 2009, chỉ có 70 triệu lượt người Đức đến sân vận động, 146 triệu lượt người đi xem phim nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách.
– Israel
Là nước có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới, Chính phủ Israel rất quan tâm đến việc thiết lập mạng lưới thư viện: cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện; vì vậy, dù chỉ có 8 triệu dân nhưng Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý.
Trích Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch